Ngày 11/11/2024, tại trụ sở Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel, Bộ trưởng Nir Barkat đã có cuộc gặp làm việc với Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung.
Ông Nir Barkat cũng cho biết thêm dự luật “Những gì tốt cho châu Âu cũng tốt cho Israel” dự kiến có hiệu lực vào đầu 2025 sẽ áp dụng các tiêu chuẩn của châu Âu cho hàng hoá tiêu dùng nhập khẩu vào Israel. Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào EU một khi đã đáp ứng các tiêu chuẩn của khối này (theo EVFTA) thì sẽ có nhiều thuận lợi xuất khẩu vào Israel.
Trong bối cảnh xung đột vẫn đang diễn biến phức tạp và tình hình thị trường sở tại còn nhiều khó khăn, trao đổi thương mại song phương trong năm 2024 vẫn tăng trưởng ngoạn mục. Hiện tại, Israel là đối tác thương mại lớn thứ 3 (sau Cô-oét và UAE), là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 (sau UAE, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả-rập Xê-út) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 (đứng sau Cô-oét) ở khu vực Trung Đông.
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Israel đạt xấp xỉ 2,68 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Israel đạt 631 triệu USD và nhập khẩu của Việt Nam từ Israel đạt 2,05 tỷ USD. Theo số liệu thống kê sơ bộ, trong 9 tháng năm 2024, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Israel đạt 2,28 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt xấp xỉ 614 triệu USD và nhập khẩu đạt 1,67 tỷ USD. Ước tính cả năm 2024, kim ngạch có thể đạt trên 3 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu khoảng 850 triệu USD.
Với việc đạt được các thỏa thuận phù hợp với lợi ích của mỗi bên, nhất là cam kết về nâng cao tỉ lệ tự do hóa thương mại, theo đó, về thương mại hàng hoá, Israel cam kết bỏ thuế quan với tổng cộng 92,7% số dòng thuế (trong đó xoá bỏ ngay 66,3% số dòng thuế khi Hiệp định có hiệu lực và xoá bỏ 26,4% số dòng thuế sau một khoảng thời gian nhất định với lộ trình từ 3-5-7 và 10 năm); một số mặt hàng nông sản như: trứng, thịt, khoai tây, cà rốt, nấm, mật ong, cá ngừ… của Việt Nam được Israel dành hạn ngạch thuế quan với thuế suất trong hạn ngạch là 0%.
Trong khi Việt Nam cam kết bỏ thuế quan với tổng cộng 85,8% số dòng thuế đến cuối lộ trình. Ngoài ra, về thương mại dịch vụ và đầu tư, Việt Nam mở cửa thêm cho Israel một số lĩnh vực phía Bạn quan tâm như: bán lẻ, cho thuê máy móc không kèm người điều khiển, dịch vụ quảng cáo... Hai bên kỳ vọng rằng thương mại hai chiều sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc, sớm đạt mức 3 tỷ USD và cao hơn nữa trong thời gian tới.
Israel là thị trường với nhiều đặc điểm, đặc thù về con người và tôn giáo. Là đất nước có đặc trưng tôn giáo và sắc tộc, các doanh nghiệp người Do Thái thường yêu cầu người xuất khẩu phải có Chứng nhận Kosher, trong khi các doanh nghiệp người Ả-rập có thể yêu cầu người xuất khẩu phải có Chứng nhận Halal, đối với một số chủng loại hàng hóa nhất định, chủ yếu đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng. Đây là hai loại chứng nhận mang tính chất tôn giáo và thường phụ thuộc vào yêu cầu cụ thể của người nhập khẩu theo từng lần giao dịch hoặc từng lô hàng mua bán. Do vậy các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về tập quán, quy định và thị hiếu thị trường để tránh gặp phải rào cản không đáng có khi thâm nhập thị trường này.
Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Israel có tính chất bổ sung cho nhau. Do không có sẵn tài nguyên thiên nhiên và hạn chế về nguồn lực nhân công sản xuất, hiện Israel coi Việt Nam là một trong những nguồn cung cấp hàng hóa ổn định quan trọng tại Châu Á, nhất là đối với nhóm hàng điện thoại di động, nông sản (hạt điều, cà phê, gia vị…), thủy hải sản (tôm, mực đông lạnh, cá ngừ đóng hộp, cá tra…), lương thực thực phẩm chế biến, nước giải khát, hàng gia dụng (thiết bị đồ dùng nhà bếp, máy hút bụi…), máy móc thiết bị điện, sản phẩm và thiết bị điện tử (thiết bị văn phòng, máy in, máy photocopy…), hàng tiêu dùng (quần áo, giày dép…), bánh kẹo, trái cây chế biến sấy khô và đóng hộp… để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở trong nước.
Một số mặt hàng nông sản như: trứng gà, thịt, khoai tây, cà rốt, súp lơ, nấm, mật ong, cá ngừ… được Israel dành hạn ngạch thuế quan với thuế suất trong hạn ngạch là 0%. Các mặt hàng thời trang, giày dép gia công và thành phẩm thuộc nhóm HS từ 61-64 hầu hết đều được miễn thuế quan, số khác hầu hết có lộ trình xoá bỏ thuế quan trong vòng 3-5 năm.
Những năm gần đây, tại Israel thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung mặt hàng bơ sữa các loại, do nhu cầu tiêu dùng tăng cao và sản xuất trong nước không đáp ứng đủ, khiến chính phủ Israel phải liên tục điều chỉnh chính sách thương mại về nhập khẩu đối với mặt hàng này, áp dụng chủ yếu là bãi bỏ thuế nhập khẩu và hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng bơ sữa nhập khẩu, để tăng nguồn cung cấp. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng bơ sữa sang Israel trong thời gian tới./.
(AgriDataGo TH)